Hiện nay, sữa và các sản phẩm từ sữa phổ biến và là thực phẩm không thể thiếu trong quá trình chăm sóc bé. Tuy nhiên với quá nhiều loại sản phẩm trên thị trường, để có hiểu biết đúng và chọn cho con loại sản phẩm phù hợp cũng là một việc đau đầu.
Bài viết dưới đây chia sẻ kinh nghiệm của chị Nguyễn Tú Anh (Cầu Giấy), admin của Hội ăn dặm kiểu Nhật và là mẹ của một bé gái 5 tuổi về vấn đề này. Hy vọng bài viết sẽ giúp các mẹ đang quan tâm có thêm kiến thức về những sản phẩm sữa thiết yếu cho các bé.
1. Sữa chua hay váng sữa
– Sữa chua được coi là “thưc phẩm vàng”, rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cho trẻ nhỏ nhờ cung cấp lượng lớn vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp kích thích và hỗ trợ hấp thu. Theo khuyến nghị, các bé nên ăn sữa chua hàng ngày, từ 50 – 100g tùy giai đoạn. Bé từ 6 tháng bắt đầu ăn dặm đã nên có sữa chua không đường trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Nhưng hiện nay nhiều loại sữa chua thay vì làm đông nhờ quá trình lên men thì lại dùng thêm phụ trợ là gelatine. Thành phần này hỗ trợ quá trình đông của sản phẩm nhưng nếu lạm dụng sẽ làm giảm lượng lợi khuẩn, và từ đó giảm tác dụng của sữa chua nên có.
Khi lựa chọn sữa chua, cần lưu ý đến thành phần các chất được liệt kê trên nhãn sữa và cố gắng ưu tiên các loại sữa chua chỉ có ghi men, không có gelatine trong thành phần.
– Với sản phẩm váng sữa, theo Tú Anh, thực chất nó là một dạng pudding cream, là món ngọt làm từ bột, thêm chất béo, hương liệu.
Ăn nhiều váng sữa không cung cấp lượng canxi như sữa và cũng không có nhiều tác dụng hỗ trợ tiêu hóa như sữa chua. Bé dưới 9 tháng, khả năng tiêu hóa chất béo kém, lạm dụng váng sữa khiến con nhanh đầy bụng, khó hấp thu hay ăn món khác, thành ra hại chứ không lợi. Vì vậy, Tú Anh thường chỉ cho bé ăn thêm váng sữa khoảng 1-2 lần/tuần mà thôi.
– Đối với các bé từ 2 tuổi trở lên, sản phẩm sữa chua uống bắt đầu được nhiều mẹ và bé lựa chọn. Dù tên gọi là sữa chua uống nhưng chưa chắc các loại sữa chua uống trên thị trường có tính chất “sữa chua” như mọi người vẫn nghĩ.
Có một vài loại sữa chua nước trên thị trường, trong thành phần chủ yếu là bột sữa + nước + vị chua từ hóa chất + hương liệu. Như vậy đây chỉ là một dạng nước giải khát vị sữa, không có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa hay bổ sung lợi khuẩn giống dạng sữa chua ăn như các mẹ vẫn nghĩ. Do vậy, khi lựa chọn sữa chua uống cho bé, mẹ nên xem xét kỹ thành phần và nên ưu tiên các loại có chứa men hơn là loại không chứa men. Các mẹ cũng không nên lạm dụng các loại sữa chua uống bổ sung men để hệ tiêu hóa của cơ thể không sinh ra ỷ lại, chỉ nên cho bé dùng loại sản phẩm này tối đa 10 ngày/tháng và nên dùng xen kẽ với sữa chua ăn.
2. Sữa bột và sữa tươi
– Trên lý thuyết, bé từ 12 tháng thì 3 bữa ăn hàng ngày mới là chính, sữa là phụ thêm. Và từ 12 tháng, bé có thể tiêu hóa được hoàn toàn đạm sữa nguyên chất trong sữa tươi. Vì vậy, theo Tú Anh, nếu bé không thích uống sữa bột công thức thì có thể để bé chuyển sang sữa tươi để làm phong phú nguồn dinh dưỡng và cung cấp lượng canxi hữu cơ dồi dào.
Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý là trong sữa tươi thì hàm lượng sắt thấp nên nếu cho bé uống sữa tươi thì cần cho con ăn thêm các loại thực phẩm khác chứa nhiều sắt như rau cải bó xôi, gan, thịt gà, thịt bò, sò ngao, các loại hạt (đậu, vừng, hạt bí đỏ…), lòng đỏ trứng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
– Còn về sản phẩm sữa bột thì cũng có 2 loại là sữa bột (hay sữa tươi dạng bột) và sữa bột công thức.
Sữa bột công thức là sữa bột và các thành phần vitamin khoáng chất được bổ sung theo công thức nhất định, dùng làm nguồn dinh dưỡng cho các bé từ sơ sinh tới 36 tháng hoặc hơn. Sữa bột công thức là dạng thực phẩm phổ biến và rất nhiều mẹ đã biết tường tận về nó.
Gần đây trên thị trường còn một loại nữa là sữa bột. Sản phẩm này có nhiều tên gọi nhưng phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là “Sữa tươi dạng bột”. Tức là sản phẩm này làm từ sữa tươi và ở dạng bột. Cái này chính là sữa nước, tách nước đi còn lại bột sữa. Nó chỉ đơn thuần là bột sữa, chứ không được trộn thêm vitamin khoáng chất theo tỷ lệ công thức nào nên không gọi là sữa bột công thức. Nó có thể là bột sữa nguyên kem, hoặc là bột sữa tách béo, hoặc không béo.
Ưu điểm của dạng sản phẩm này là dễ bảo quản, không lo bị hỏng bị chua hay vón cục. Hạn sử dụng của sản phẩm cũng dài hơn. Giá thành của sản phẩm này cũng rẻ hơn so với sữa bột công thức. Tác dụng của loại sản phẩm này chủ yếu là bổ sung canxi, giống như sữa dạng nước.
Mẹ có thể lựa chọn sử dụng sữa bột công thức hoặc sữa tươi dạng bột cho bé, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sử dụng.
Sữa và các sản phẩm từ sữa hiện nay rất đa dạng. |
3. Sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng
Trong các loại sữa dạng nước, thì có 2 loại phổ biến. Sữa thanh trùng thường là sữa chỉ được đun nóng để khử khuẩn, dùng tốt nhất là trong 24h hoặc tối đa là 5 ngày nếu được bảo quản kín. Sữa tiệt trùng là loại khử khuẩn bằng PP UHT, sau đó đóng vào túi chân không sẽ bảo quản được từ 6 – 12 tháng.
Sữa thanh trùng là sữa tươi dạng nước nguyên chất. Còn sữa tiệt trùng vì hạn sử dụng là từ 6 tháng nên nên không được gọi là sữa tươi. Trong sữa tiệt trùng, hiện tại trên thị trường cũng phân ra loại sữa 100% sữa tươi dạng nước và loại bột sữa pha ra (hoàn nguyên).
Để biết sữa tiệt trùng mình mua là sữa tươi 100% hay là bột sữa pha (hoàn nguyên), các mẹ cũng đọc nhãn để phân biệt: sữa hoàn nguyên trên nhãn đều phải ghi là bột sữa + nước…. còn sữa tươi 100% trên nhãn thường chỉ ghi là sữa tươi + đường + hương liệu (nếu có).
Vì thực phẩm sẽ ngon khi tươi mới, vì vậy theo mẹ Tú Anh, sữa thanh trùng sẽ là ưu tiên khi lựa chọn cho bé.
4. Sữa tự vắt
Gần đây dựa theo nhu cầu của người tiêu dùng, có một số gia đình mua sữa tự vắt từ các hộ nuôi bò. Sữa đó chính xác là sữa tươi vì thường được vắt và vận chuyển đến nhà khách hàng ngay trong ngày.
Thông thường loại sữa này là sữa nguyên chất, trước khi sử dụng các mẹ cần thanh trùng bằng cách đun sữa liu riu ở nhiệt độ từ 70 – 80 độ C trong thời gian từ 10 – 15 phút, sau đó ngâm nồi sữa vào nước lạnh để làm lạnh nhanh. Sản phẩm sữa thu được sẽ có vị ngậy, béo đặc trưng nhờ lượng chất béo được bảo quản gần như hoàn hảo.
Tuy nhiên, theo mẹ Tú Anh thì khi sử dụng sữa tự vắt, các mẹ cần tìm hiểu kỹ nguồn lấy sữa. Phải chắc chắn quy trình vắt sữa đúng chuẩn, bò sữa được tiêm phòng và chăm sóc đầy đủ vệ sinh vì nếu không, đây chính là một nguồn lây nhiễm bệnh tiềm tàng.
Mẹ HB