1. Chuẩn hóa: mục đích của quá trình chuẩn hóa là hiệu chỉnh hàm lượng chất béo trong sữa. Nếu sữa nguyên liệu có hàm lượng chất béo thấp, ta sẽ bổ sung thêm cream vào. Lượng chất béo trong cream tối thiểu không thấp hơn 12% và thường dao động từ 35÷40%. Ngược lại, nếu nguyên liệu có hàm lượng chất béo cao, ta có thể bổ sung sữa gầy hoặc sử dụng quá trình ly tâm để tách bớt chất béo ra khỏi sữa.
2. Bài khí: quá trình bài khí là bắt buộc khi sữa chứa nhiều khí, đặc biệt khi hàm lượng các chất dễ bay hơi trong sữa tăng cao. Khi đó mục đích của quá trình bài khí là tăng hiệu quả truyền nhiệt cho quá trình thanh trùng và cải thiện hương vị sản phẩm.

3. Đồng hóa: nhằm xé nhỏ các hạt cầu béo làm chúng phân tán đều trong sữa, tránh hiện tượng phân lớp, gia tăng độ đồng nhất của sản phẩm, giúp thời gian bảo quản sản phẩm được lâu hơn.

4. Thanh trùng: giúp tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh trong sữa, tiêu diệt hoặc ức chế các nhóm vi sinh vật hoại sinh lẫn các enzyme nhằm kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Đối với sản phẩm sữa người ta thường sử dụng chế độ “ nhiệt độ cao- thời gian ngắn”. Trong điều kiện sữa nguyên liệu đạt các quy định chung về chỉ tiêu vi sinh, quá trình thanh trùng thực hiện ở 72÷750C trong 15÷20 giây.
5. Rót sản phẩm và bao gói: yêu cầu quan trọng của quá trình rót sản phẩm là phải thực hiện trong điều kiện vô trùng để tránh tái nhiễm vi sinh vật vào thành phẩm. Do đó, vấn đề vệ sinh thiết bị, nhà xưởng tại khu vực chiết rót và bao gói cần phải được quan tâm hàng đầu.

6. Bảo quản sản phẩm: đối với sản phẩm sữa thanh trùng, trong quá trình bảo quản phải được thực hiện ở nhiệt độ thấp (5÷70C), tránh sự tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng nhất là ánh sáng mặt trời.